Chu Thử và Lý Hoài Quang làm phản Sự_biến_Phụng_Thiên

Phản quân Kinh Nguyên

Trong tình thế nguy cấp, Đường Đức Tông bèn điều quân Kinh Nguyên[32] tới Quan Nội để giải vây Tương Thành, mặt khác ra lệnh cho tướng ở kinh thành là Chiêu mộ sứ Bạch Chí Trinh mộ cấm binh phòng thủ. Tiết độ sứ Kinh Nguyên là Diêu Lệnh Ngôn vâng lệnh mang 5000 quân đi. Trên đường hành quân ra chiến trường, Kinh Nguyên đi qua kinh đô Trường An. Quan Kinh Triệu doãn là Vương Hồng theo lệnh của Đường Đức Tông mở tiệc khao quân, nhưng không chu đáo, lại không có gì ban thưởng, nên các tướng sĩ Kinh Nguyên đều tức giận. Diêu Lệnh Ngôn cũng bất mãn với các tướng sĩ, bèn phát động binh biến lệnh cho quân sĩ đánh thẳng vào kinh thành. Đường Đức Tông nghe tin quân sĩ bất mãn mới vội vã sai người mang lụa ra thưởng, nhưng quân Kinh Nguyên không chấp nhận, bắn chết viên hoạn quan mang lụa rồi tiến thẳng vào kinh.

Đường Đức Tông có lực lượng mới mộ của Bạch Chí Trinh, bèn điều ra chống giữ. Nhưng những cấm quân mới đều là người buôn bán ở phố chợ, không biết chiến đấu, tan rã bỏ chạy hết. Quân Kinh Nguyên tiến vào kinh thành. Đường Đức Tông vội dẫn Vương quý phi, Vi thục phi cùng khoảng 500 người theo cửa sau kinh thành bỏ chạy, nhằm hướng về Phụng Thiên lánh nạn[31].

Quân Kinh Nguyên tiến vào điện Hàm Nguyên, thẳng tay cướp bóc kho tàng của vua; dân chúng kinh thành cũng nhân dịp hỗn loạn vào cung lấy của cải của triều đình[31]. Diêu Lệnh Ngôn thấy mình không đủ uy tín để cầm quân chống nhà Đường, nên thả Chu Thử trong ngục ra, tôn làm người đứng đầu. Chu Thử tự xưng là hoàng đế nhà Đại Tần, sau đổi là Đại Hán, chính thức ra mặt phản Đường.

Chu Thử đánh Phụng Thiên

Kim ngô đại tướng quân Hồn Giam (thuộc hạ cũ của Quách Tử Nghi) vội tới Phụng Thiên báo với Đường Đức Tông về việc Chu Thử đã được thả, nên lập tức tính cách đối phó, nhưng Đức Tông lại nghe theo thừa tướng Lư Khởi, cho rằng Chu Thử là người trung thành, sẽ không phản lại triều đình, và chờ Chu Thử đến rước mình về lại kinh đô[33].

Thử hạ chiếu lập Chu Thao làm Hoàng thái đệ, viết thư cho Thao bảo

Đất Tam Tần chỉ cần mấy ngày là bình được, còn miền bắc Đại Hà giao cho khanh dẹp yên. Hẹn cùng hội ngộ ở Lạc Dương.

Thao được tin, thông cho cho các trấn khác, đề nghị cùng giúp Chu Thử. Lúc này các cánh quân triều đình ở Hà Bắc cũng lũ lượt kéo về Phụng Thiên cứu giá, Chu Thao và Vương Vũ Tuấn cũng lui quân về trấn. Ông dự định tấn công Lạc Dương, sai người cầu viện Hồi Hột. Hồi Hột cử 3000 quân giúp Chu Thao tấn công xuống phía nam. Nhưng trong lúc này, Lý Bão Chân thuyết phục được Vương Vũ Tuấn quay lại tấn công Chu Thao, Vũ Tuấn chấp nhận, kết ước với Lý Bão Chân và Mã Toại.

Ngay trước khi xưng đế, Chu Thử đã phái Hàn Mân dẫn 3000 quân đến Phụng Thiên, bề ngoài nói là nghênh thiên tử về kinh nhưng thực chất là thừa cơ tấn công, bắt sống Đức Tông. Sau đó, Chu Thử đích thân dẫn đại quân theo sau, cử thêm Diêu Lệnh Ngôn, Trương Quang Thịnh, Lý Trung Thần, Cừu Kính Trung... đưa quân đến đánh tiếp. Đế sai Cao Trọng Kiệt đến Lương Sơn chống trả nhưng thất bại và bị giết. Chu Thử đắc thắng bảo với các tướng

Tàn đảng ở Phụng Thiên chẳng qua mấy ngày nữa là bình xong.[34].

Chu Thử tấn công Phụng Thiên suốt 1 tháng không hạ được. Trong thành lương hết, Đường Đức Tông phải ăn rau dại và lương khô[24]. Đại tướng quân Lý Thành, Lý Hoài Quang mang quân về Phụng Thiên cứu vua. Chu Thử không địch nổi viện binh, phải rút quân về Trường An. Đại tướng Hồn Giam tập hợp binh mã chỉ gồm 10 người bất thần đánh Trường An. Chu Thử dẫn quân trở về và nhanh chóng dẹp được, sau đó lại dồn sức đánh Phụng Thiên. Phụng Thiên trong tình thế nguy cấp, lương thực cạn, Đức Tông phải ăn đến cả rau dại và lương khô. Nhưng may mắn là đến ngày 18 tháng 1, Lý Hoài Quang đang giao chiến với bốn trấn đem quân về cứu giá, đánh bại quân Tần ở Lễ Tuyền. Chu Thử sợ thế Hoài Quang nên muốn nhanh chóng hạ Phụng Thiên trước khi Hoài Quang đến mà không được, cuối cùng phải rút về Trường An để tránh phải đối đầu với Lý Hoài Quang. Về sau,, ông không còn đe dọa Phụng Thiên thêm lần nào nữa, nhưng vẫn cho phao tin rằng Phụng Thiên đã nguy cấp, sắp bị diệt để kích tướng sĩ.

Lý Hoài Quang trở mặt

Sau đó ông đưa quân về Phụng Thiên yết kiến thiên tử. Hoài Quang vốn căm ghét thừa tướng Lư Kỉ và một số gian thần được nhà vua tin tưởng như Triệu Tản, Bạch Chí Trinh. Ông nói

Đại loạn trong thiên hạ đều do bọn này mà ra. Ta yết kiến Hoàng thượng, sẽ xin giết hết.[35].

Bọn Lư Kỉ được tin rất hoảng sợ, bèn tìm cách hãm hại ông. Bọn Kỉ tâu xin Đức Tông hạ lệnh cho Lý Hoài Quang thừa thắng kéo quân đến thẳng Trường An, nhằm mượn tay Chu Thử giết ông. Đức Tông bằng lòng, ra lệnh cho ông hợp quân với các tướng Lý Thịnh và Lý Kiến Huy, Dương Huệ Nguyên cùng tấn công Trường An. Ông tỏ ra không hài lòng. Khi đưa quân tới Hàm Dương, ông không tiến thêm nữa và nhiều lần dâng biểu lên triều đình xin trị tội bọn Lư Kỉ gây ra biến loạn ngày hôm nay. Trong tình thế bất đắc dĩ đó, Nhà Vua buộc phải cách chức và lưu đày bọn Lư Kỉ ra Tần châu, Triệu Tản đến Ân châu và Bạch Chí Trung đến Bá châu. Nhưng không dừng lại ở đó, Lý Hoài Quang còn tiếp tục dâng biểu xin trừng trị trung sứ Địch Văn Tú được nhà vua tín nhiệm, cuối cùng Tú bị Đức Tông giết đi[34].

Mùa xuân năm 784, Đức Tông dự định sai sứ sai cầu viện Thổ Phiên. Tướng Thổ Phiên Thượng Kết Tán nói theo luật pháp nước Phiên thì khi điều quân cứu viện nước khác phải có hiệp ước rõ ràng và yêu cầu phải cắt đất cùng một số điều khoản khác. Lý Hoài Quang không đồng tình với việc này vì cho rằng quân Thổ Phiên mà tiến sang thì sẽ cướp bóc khắp nơi và bắt bớ dân lành. Đại thần Lục Chí lo sợ rằng Lý Hoài Quang sẽ làm phản và tấn công vào lực lượng của Lý Thịnh, vì thế đề nghị tách quân của ông ra khỏi các cánh quân khác, không hành quân chung nữa. Đức Tông hạ lệnh cho Lý Thịnh kéo quân theo hướng khác, nhưng vẫn giữ lộ trình cũ của Lý Kiến Huy và Dương Huệ Nguyên vì sợ Hoài Quang sẽ oán giận[26]. Tháng 2 ÂL, có chiếu gia phong Thái úy, ban thiết khoán, sai Lý Thăng và Đặng Minh Hạc đến thủ dụ. Hoài Quang giận nói: Phàm khi một người nào đó sắp nổi loạn thì ban cho thiết khoán. Nay ban cho Hoài Quang, thì dù ta không có ý phản, cũng bị buộc phải làm phản rồi.

Sự thực thì Lý Hoài Quang đã bí mật câu kết với Chu Thử từ lâu. Chu Thử tìm cách dụ Hoài Quang theo phe mình, hẹn ước sẽ chia nhau vùng Quan Trung để cùng xưng đế, kết làm anh em. Trong khi đó Lý Thịnh cũng cho rằng Hoài Quang sẽ nổi dậy và đề xuất phòng bị ở vùng Hán Trung và Thục. Đức Tông do dự và muốn đến Hàm Dương úy lạo quân sĩ của Lý Hoài Quang. Hoài Quang lo sợ rằng nhà vua có ý đề phòng mình nên càng quyết tạo phản. Đến đây khi có chiếu thư này thì dã tâm tạo phản của ông càng mạnh.

Lý Thăng trở về Phụng Thiên báo việc cho Đức Tông. Triều đình lo sợ, tính tới chuyện bỏ Phụng Thiên nếu như Hoài Quang làm phản. Ít lâu sau, Lý Hoài Quang bất ngờ dẫn quân tấn công Lý Kiến HuyDương Huệ Nguyên. Kiến Huy trốn được và Huệ Nguyện bị tử trận[36].

Chu Thử cùng Lý Hoài Quang, hẹn ước sẽ chia nhau vùng Quan Trung để cùng xưng đế, kết làm láng giềng[37]. Tháng 2 năm 784, Lý Hoài Quang nghe theo Chu Thử, bèn cùng tướng Lý Kỷ theo Chu Thử, dẫn quân chống lại Đức Tông. Ngày 21 tháng 3 năm đó, do lo sợ sự tấn công của Hoài Quang, Đường Đức Tông bỏ trốn khỏi Phụng Thiên, chạy đến Lương châu. Lý Hoài Quang cử các tướng Mạnh Bảo, Huệ Tĩnh Thọ và Tôn Thúc Đạt đuổi theo hòng bắt được Đức Tông; nhưng ba tướng này vẫn còn trung thần với triều đình nên cố ý để nhà vua chạy thoát. Trong khi đó Lý Thịnh viết thư cho ông đề nghị quay về với triều đình. Hoài Quang không nghe, nhưng cũng từ sau sự kiện này, ông tỏ ra lo sợ rằng tướng sĩ dưới quyền có thể bất bình với hành động của mình mà nổi dậy chống lại. Sự thực là đã có bộ tướng Hàn Du Côi, Mạnh Thiệp, Đoàn Uy Dũng bỏ ông về với triều đình, và ông không ngăn cấm được. Do vậy khiến lực lượng của ông suy yếu. Chu Thử thấy thế liền nuốt lời hứa khi trước, chỉ đối xử với Hoài Quang như bầy tôi. Thuộc tướng của ông là Lý Cảnh Lược khuyên ông quay lại tấn công Chu Thử rồi hàng triều đình, nhưng Hoài Quang nghe lời của Diêm Yến, quyết định phân quân cướp bóc ở Kính Dương, Tam Nguyên, Phú Bình rồi từ Đồng châu đưa quân đến đóng ở Hà Trung[36].